Có thể trong cuộc sống hằng ngày, khi nghe các bản tin về tài chính, chúng ta sẽ luôn nghe thấy những tin tức về “thị trường chứng khoán”. Vậy, thị trường chứng khoán là gì? Tầm quan trọng của thị trường giao dịch chứng khoán như thế nào trong nền kinh tế tài chính hiện nay?
1. Khái niệm về thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán (TTCK) là nơi diễn ra các giao dịch mua bán trao đổi các loại chứng khoán. Các quan hệ mua bán trao đổi này làm thay đổi chủ sở hữu của chứng khoán.
TTCK không giống với các thị trường các hàng hóa thông thường khác vì hàng hóa của thị trường chứng khoán là loại hàng hóa đặc biệt, là quyền sở hữu về quyền góp vốn.
2. Một số thuật ngữ cần biết trên thị trường chứng khoán
- Cổ phần: Nguồn vốn của một tổ chức được chia thành các phần bằng nhau.
- Cổ phiếu: Chứng chỉ được phát hành để xác nhận quyền sở hữu cổ phần.
- Cổ phiếu phổ thông: Là loại cổ phiếu xác định quyền được biểu quyết đối với các quyết định lớn của công ty và được hưởng lợi ích hay cổ tức nhưng không cố định.
- Cổ phiếu ưu đãi: Là loại cổ phiếu có giá trị phiếu biểu quyết cao hơn nhiều so với cổ phiếu
- Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết: Là loại cổ phiếu có giá trị phiếu biểu quyết cao hơn nhiều so với cổ phiếu dạng phổ thông.
- Cổ phiếu ưu đãi cổ tức: Là loại cổ phiếu xác định quyền được trả cổ tức cao hơn so với cổ phiếu phổ thông.
- Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại: Là loại cổ phiếu xác định quyền được đơn vị phát hành hoàn vốn bất cứ khi nào theo yêu cầu hoặc theo các điều kiện được xác lập
- Cổ đông: Là những cá nhân/tập thể sở hữu cổ phiếu.
- Cổ tức: Là khoản lợi nhuận được chia cho cổ đông sẽ nhận được hàng năm từ công ty cổ phần.
- Cổ tức cố định: Phần lợi nhuận được chia cho cổ đông mà không phụ thuộc kết quả kinh doanh của công ty.
- Cổ tức thưởng: Phần lợi nhuận được chia cho cổ đông tùy phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty.
- Trái phiếu: Là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ phải trả của tổ chức phát hành.
- Chứng chỉ quỹ: Là chứng khoán được phát hành bởi các quỹ đầu tư chứng khoán.
- VN-Index: Chỉ số thể hiện biến động các cổ phiệu niêm yết trên sàn HOSE.
- HNX-Index: Chỉ số thể hiện biến động các cổ phiếu niêm yết trên sàn HNX.
- IPO: Phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng.
- Vốn hóa: Tổng giá trị cổ phần của các doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết.
- Thanh khoản trong chứng khoán: Mức độ nhanh chóng trong việc mua bán chứng khoán.
- Khối lượng giao dịch: Số chứng khoán được giao dịch trong phiên.
3. Một số vai trò và chức năng của thị trường chứng khoán
3.1 Huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế
Khi các nhà đầu tư mua chứng khoán do các công ty phát hành, số tiền nhàn rỗi của họ được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh và qua đó góp phần mở rộng sản xuất xã hội. Bằng cách hỗ trợ các hoạt động đầu tư của công ty, TTCK đã có những tác động quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
3.2 Cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng
TTCK cung cấp cho công chúng một môi trường đầu tư lành mạnh với các cơ hội lựa chọn phong phú. Các loại chứng khoán trên thị trường rất khác nhau về tính chất, thời hạn và độ rủi ro, cho phép các nhà đầu tư có thể lựa chọn cho loại hàng hóa phù hợp với khả năng, mục tiêu và sở thích của mình.
3.3 Tạo tính thanh khoản cho các chứng khoán
Nhờ có TTCK các nhà đầu tư có thể chuyển đổi các chứng khoán họ sở hữu thành tiền mặt hoặc các loại chứng khoán khác khi họ muốn. Khả năng thanh khoản là một trong những đặc tính hấp dẫn của chứng khoán đối với người đầu tư.
Đây là yếu tố cho thấy tính linh hoạt, an toàn của vốn đầu tư. TTCK hoạt động càng năng động và có hiệu quả thì càng có khả năng nâng cao tính thanh khoản của các chứng khoán giao dịch trên thị trường.
3.4 Đánh giá hoạt động của doanh nghiệp
Thông qua giá chứng khoán, hoạt động của các doanh nghiệp được phản ảnh một cách tổng hợp và chính xác, giúp cho việc đánh giá và so sánh hoạt động của các doanh nghiệp được nhanh chóng và thuận tiện.
3.5 Thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô
Các chỉ báo của TTCK phản ánh động thái của nền kinh tế một cách nhạy bén và chính xác. Giá các chứng khoán tăng lên cho thấy đầu tư đang mở rộng, nền kinh tế tăng trưởng; và ngược lại giá chứng khoán giảm sẽ cho thấy các dấu hiệu tiêu cực của nền kinh tế.
Vì thế, TTCK được gọi là phong vũ biểu của nền kinh tế và là một công cụ quan trọng giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Thông qua TTCK, chính phủ có thể mua và bán trái phiếu chính phủ để tạo ra nguồn thu bù đắp thâm hụt ngân sách và quản lý lạm phát.