Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, muốn hoạt động kinh doanh được thì phải có vốn bởi vốn phản ánh năng lực chủ yếu để quyết định khả năng kinh doanh. Và, việc huy động vốn là hoạt động không thể thiếu của Ngân hàng.
1. Vai trò của vốn huy động
Với chức năng tập trung và phân phối vốn cho các nhu cầu của nền kinh tế, một nguồn vốn huy động dồi dào sẽ tạo cho ngân hàng điều kiện để mở rộng hoạt động kinh doanh, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, không bỏ lỡ cơ hội đầu tư, giảm thiểu rủi ro, tạo dựng được uy tín cho ngân hàng.
2. Các hình thức huy động vốn
2.1 Tiền gửi của khách hàng.
Tiền gửi của khách hàng đó là tiền gửi của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp cơ quan Nhà nước và các định chế tài chính trung gian cùng cá nhân trong và ngoài nước có quan hệ gửi tiền tại ngân hàng. Tiền gửi của khách hàng được chia làm hai bộ phận: Tiền gửi của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và tiền gửi tiết kiệm của cá nhân.
Tiền gửi của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế
Tiền gửi không kỳ hạn
Đây là khoản tiền gửi mà khách hàng có thể rút ra bất kỳ lúc nào và ngân hàng phải thoả mãn yêu cầu đó của khách hàng, thực chất đó là khoản tiền gửi dùng để đảm bảo trong thanh toán.
Đối với loại tiền gửi này, khách hàng không mất quyền sở hữu, cũng như quyền sử dụng số tiền đó. Họ có quyền lấy ra hoặc chuyển nhượng cho bất kỳ ai và bất kỳ thời gian nào. Khách hàng được sử dụng số tiền của mình bằng các phương tiện thanh toán dùng để chi trả như séc, uỷ nhiệm chi, thư chuyển tiền…
Tiền gửi có kỳ hạn
Tiền gửi có kỳ hạn là khoản tiền tạm thời nhàn rỗi của doanh nghiệp, chưa sử dụng đến trong một thời gian nhất định, mà khoảng thời gian này được xác định trước. Do đó cá doanh nghiệp thường gửi vào ngân hàng dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn.
Tiền gửi tiết kiệm cá nhân
Tiển gửi tiết kiệm là khoản tiền để dành của mỗi cá nhân được gửi vào Ngân hàng, nhằm hưởng lãi suất theo qui định. Khi gửi tiền người gửi tiền được giao một sổ tiết kiệm coi như một giấy chứng nhận tiền gửi vào Ngân hàng. Tiền gửi tiết kiệm cá nhân vân có loại không kỳ hạn và có kỳ hạn.
Xem thêm: Thị trường liên ngân hàng và những thông tin quan trọng cần biết?
2.2 Thông qua phát hành công cụ nợ
Vốn phát hành của ngân hàng, đây là hình thức huy động vốn thông qua phát hành kỳ phiếu, trái phiếu… Đó là các công cụ nợ của ngân hàng. Đặc điểm của loại vốn này là lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Mục đích huy động dùng để đáp ứng cho các dự án đầu tư lớn.
Phát hành kỳ phiếu có mục đích
Khi các ngân hàng thương mại có nguồn vốn tự có chưa đáp ứng được các nhu cầu tài chính quy mô lớn, ngân hàng thương mại trình ngân hàng Nhà nước xin phép phát hành kỳ phiếu để tạo nguồn vốn tín dụng tương đối lâu dài cho các hoạt động này.
Phát hành trái phiếu
Trái phiếu ngân hàng thực chất là giấy nhận nợ có kỳ hạn của ngân hàng đối với những người mua. Trái phiếu được phát hành nhằm huy động vốn cho chính bản thân ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng có liên quan. Lãi suất của trái phiếu thường cao hơn lãi suất của tiền gửi tiết kiệm, kỳ phiếu.
2.3 Huy động từ liên ngân hàng và Ngân hàng nhà nước
Khi các ngân hàng thương mại xảy ra hiện tượng thiếu vốn đột xuất, để đảm bảo khả năng thanh toán của mình, các tổ chức tín dụng vay vốn của nhau qua thị trường liên ngân hàng. Thị trường này giúp cho ngân hàng thương mại bổ sung nguồn vốn cho nhau, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt vốn trong thanh toán.
Việc thực hiện quan hệ tín dụng giữa các ngân hàng thương mại phải được tiến hành theo nguyên tắc đi vay, cho vay và phải được thoả thuận trên cơ sở hợp đồng tín dụng, vốn vay phải đảm bảo bằng thế chấp, cầm cố. Ngân hàng thương mại đi vay có thể xin ngân hàng Nhà nước bảo lãnh để vay vốn các ngân hàng khác.
2.4 Huy động từ các nguồn khác.
Ngoài các nguồn vốn huy động trên các ngân hàng thương mại cũng có thể khai thác nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, đây là nguồn vốn lớn, có thời hạn tương đối dài từ 5 đến 50 năm với lãi suất tương đối ưu đãi.